Chữ Nôm, chữ Hán và chữ Quốc ngữ Chữ Nôm

Từ điển song ngữ Nam Việt–Dương Hiệp Tự vị giải nghĩa tiếng Việt (ghi bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ) bằng tiếng Latinh.

Chữ Quốc ngữ (chữ Latinh) và chữ Nôm cùng chữ Hán là hai hệ chữ dùng để viết tiếng Việt, chúng có vai trò khác nhau trong dòng lịch sử và văn hóa Việt Nam. Chữ Quốc ngữ được các nhà truyền giáo Dòng Tên tại Việt Nam sáng chế dựa trên ký tự Latinh vào nửa đầu thế kỷ 17 và cho tới cuối thế kỷ 19 chỉ được lưu hành trong giới Công giáo. Tuy nhiên, trái với nhiều người lầm tưởng, trong thời kỳ này, lượng văn thư Kitô giáo chữ Nôm vượt xa chữ Quốc ngữ,[19] và sách chữ Nôm vẫn được người Công giáo sử dụng cho đến giữa thế kỷ 20.[20]

Việc một dạng văn tự đang được mọi người trong xã hội sử dụng phổ biến và ổn định cho ngôn ngữ của họ trong nghìn năm và còn được coi là "Quốc âm", thì không có lý do gì văn tự đó phải bị thay thế dù cho độ phức tạp của dạng văn tự đó là đến đâu đi chăng nữa. Trừ khi có một biến cố lớn xảy ra khiến cho xã hội bị thay đổi một cách mạnh mẽ và khiến dạng văn tự đó bị ép buộc hạn chế hay xóa sổ. Đối với trường hợp của chữ Nôm cùng chữ Hán thì đó chính là việc thực dân Pháp thực hiện xâm lược Việt Nam. Trong hai thế kỷ đầu tiên sau khi xuất hiện, chữ Quốc ngữ vẫn không thể phổ biến bằng chữ Hán và chữ Nôm. Nhưng đến thời Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa muốn tăng cường ảnh hưởng của tiếng Pháp (cũng dùng chữ Latinh) và hạn chế ảnh hưởng của Hán học cùng với chữ Hán, nhằm thay đổi văn hoá Đông Á truyền thống ở Việt Nam bằng văn hoá Pháp và dễ bề cai trị hơn. Bước ngoặt của việc chữ Quốc ngữ bắt đầu phổ biến hơn là các nghị định của những nguời Pháp đứng đầu chính quyền thuộc địa được tạo ra để bảo hộ cho việc sử dụng chữ Quốc ngữ:

  • Ngày 22 tháng 2 năm1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định "bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán" trong các công văn ở Nam Kỳ.[21]
  • Ngày 6 Tháng 4 năm 1878, nghị định 82 được ký bởi Thống đốc Nam Kỳ Louis Charles Georges Jules Lafont, đề ra trong vòng bốn năm (tức tới năm 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ.[22]
  • Ngày 1 Tháng 1 năm 1879, có lệnh khẳng định các văn kiện chính thức phải dùng chữ Quốc ngữ. Cũng trong năm này, chính quyền thuộc địa đưa chữ Quốc ngữ vào ngành giáo dục, bắt các thôn xã ở Nam Kỳ phải dạy chữ này.[23]
  • Nghị định Ngày 14 Tháng 6 năm 1880, giảm hoặc miễn thuế thân và miễn sưu dịch cho các "thân hào hương lý" (người thân của Hương trưởngLý trưởng) nếu họ biết viết chữ Quốc ngữ.[24]

Như vậy, việc tiếng Việt bị thay thế chữ Hán và chữ Nôm bằng chữ Quốc ngữ như bây giờ, nguyên nhân ban đầu không phải do người Việt khi đó "thấy chữ Hán và chữ Nôm lạc hậu, khó đọc" hay "tự nguyện chuyển đổi để thoát Hán" như nhiều người hiện nay lầm tưởng, mà là do sự ép buộc mang tính pháp lý cao của thực dân Pháp đối với người Việt trong giai đoạn bắt đầu cai trị.

Việc chính quyền thuộc địa đẩy mạnh việc sử dụng chữ Latinhtiếng Việt và tăng cường giảng dạy tiếng Pháp, đồng thời hạn chế giảng dạy và sử dụng chữ Hán và chữ Nôm trong văn viết khiến cho sự phổ biến của chữ Hán và chữ Nôm ở Việt Nam bị suy giảm một cách nghiêm trọng, đến mức hầu hết người Việt gần như bị mù chữ Hán và chữ Nôm. Do vậy người Việt lúc này bất đắc dĩ phải chấp nhận sử dụng chữ Quốc ngữ do các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha chế tạo như là văn tự chính để viết tiếng Việt.[15] Bất chấp việc chính quyền Pháp cổ xuý chữ Quốc ngữ cho mục đích đồng văn tự với tiếng Pháp, các sĩ phu vận động ủng hộ chữ Quốc ngữ trong công cuộc phổ biến tân học và lan truyền tư tưởng yêu nước.[16] Các phong trào cải cách như Hội Trí Tri, phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục và ngành báo chí mới hình thành đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chữ Quốc ngữ.

Ngày nay, tiếng Việt hầu như được viết hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ, trong khi đó chỉ rất ít người, chủ yếu là các học giả, có thể đọc viết được chữ Nôm. Nhưng với cộng đồng người Kinh ở Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi các chính sách thay đổi sang chữ Quốc ngữ của thực dân Pháp ở Việt Nam, họ vẫn nói tiếng Việt và đọc viết bằng chữ Hán-Nôm như người Việt xưa thay vì chữ Quốc ngữ.[18][25]

Nhiều người Việt hiện nay mang nặng tư tưởng của chủ nghĩa bài Trung Quốc, không phân biệt được tiếng Việt khi viết bằng chữ Hán và chữ Nôm với tiếng Trung, đánh đồng chữ Nôm cũng là chữ Hán và cho rằng học chữ Hán và chữ Nôm là học tiếng Trung Quốc.[26][27] Thực tế, chữ Hán có thể đọc được bằng âm của tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên, tiếng Việt, nhưng chữ Nôm là chữ do chính người Việt tạo ra và chỉ có thể đọc được bằng âm của tiếng Việt, vì vậy người Trung Quốc, người Triều Tiên hay người Nhật Bản không thể đọc chữ Nôm bằng âm giọng của họ được. Chữ Hán và chữ Nôm đã song hành cùng tiếng Việt qua nghìn năm của lịch sử Việt Nam, đã giúp nguời Việt lưu lại tiếng Việt thay vì phổ biến tiếng Hán, được người Việt sử dụng để viết lên những tác phẩm kinh điển như Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên,... Vì vậy đánh đồng việc người Việt viết tiếng Việt bằng chữ Hán và chữ Nôm là viết tiếng Hán hay nói tiếng Hán là vô căn cứ, do không tìm hiểu và phân biệt được hai khái niệm tiếng nóichữ viết (ví dụ tiêu biểu nhất cho "viết chữ Hán nhưng không nói tiếng Hán" hiện nay chính là tiếng Nhật đang sử dụng Kanji là một trong những văn tự chính).

Và như đã đề cập ở trên, cả chữ Nôm cùng chữ Hán hay chữ Quốc ngữ Latinh đều là chữ viết tiếng Việt. So với chữ Quốc ngữ chỉ có thể biểu âm nhưng không có khả năng biểu nghĩa, thì chữ Hán và chữ Nôm tuy khó đọc hơn nhưng nó có khả năng biểu nghĩa rất tốt vì các chữ đồng âm nhưng khác nét viết và mỗi chữ chỉ mang một nghĩa, nên nó giải quyết được vấn đề đồng âm khác nghĩa khi viết tiếng Việt. Vậy nên hai hệ chữ này tuy khác nhau nhưng vẫn có thể được dùng song hành để bổ trợ cho nhau. Hơn nữa, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 Chương I Điều 5 Mục 3 đã nêu rõ: "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình."[28], nên cho dù chữ Quốc ngữ đang là dạng ký tự chính trong thời hiện đại, việc viết tiếng Việt hoàn toàn bằng chữ Hán và chữ Nôm giống như người Việt xưa là một quyền lợi chính đáng, không phải là điều sai trái hay đáng bị phê phán.